1001 cách giữ lửa gia đình trong “Tháng chờ chồng”
GiadinhNet – Sau bài viết nổi đình nổi đám, hợp tình hợp cảnh của nhà văn Trang Hạ – “Cứ mỗi mùa Tết, chồng lại biến tôi thành Tô Thị!”, các cô vợ “lắm chiêu” đã “được lời như cởi tấm lòng”, tâm đắc thi nhau chia sẻ bí quyết kéo chồng từ bàn nhậu về bàn ăn nhà mình trong mùa cao điểm của “tháng chờ chồng”.
Giai đoạn cận Tết, bạn bè trong “friendlist” của chị L.N. Yến – hiện đang làm việc tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM – sau khi nhận thấy có một sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các status mang nội dung đại loại như “Chờ người nơi ấyyy! Chờ hoài không thấyyy!” hay “Người lạ ơi, xin hãy cho tôi mượn bờ vai, để tôi gục ngã, vì chờ chồng lâu quá á á”, đã vừa buồn cười vừa thấy tội cho một cô gái vừa rơi vào nỗi sầu ai oán của “tháng chờ chồng”.
Nói “me mé”, than thở vẩn vơ trên Facebook, like share có chủ đích các bài viết liên quan đến chủ đề chồng nhậu mải miết không về là biện pháp “đậm chất mạng xã hội” mà Yến đang áp dụng để hòng nhắc khéo anh động lòng “quay đầu là bờ”, giúp cô thoát khỏi cảnh Tô Thị chờ chồng mùa nhậu Tết nhưng đã bị anh “quăng cục lơ” giả ngơ giả điếc kêu riết mới về, quần áo lếch tha lếch thếch, vừa thương vừa giận không biết để đâu cho hết.
Sếp Yến thì có phần cao tay hơn một chút khi biến bé con trở thành đồng minh, gọi điện thoại nhắc bố về. “Con gái 5 tuổi của mình cũng rất chịu khó hợp tác, chịu khó “diễn” và nghĩ ra đủ lý do để phải có bố ở nhà bây giờ mới được. Chỉ cần nghe giọng con qua điện thoại là chồng mình mềm lòng hẳn, anh nói anh thấy cắn rứt sao đó khi tưởng tượng ra khuôn mặt con bé buồn thỉu buồn thiu ở nhà đợi bố (ủa vậy còn em thì sao?!).
Nhưng mình nghĩ điểm mấu chốt ở đây là “về nhà với con” sẽ đỡ quê hơn “bị vợ réo về”, anh cũng sẽ trở nên “ngầu và hấp dẫn” hơn đối với cánh phụ nữ độc thân khác trong bàn tiệc khi trở thành hình mẫu người đàn ông mẫu mực thương con. Mình thì cũng không quan trọng nguyên nhân lắm, chỉ cần anh về sớm là mình lướt nhẹ qua được “tháng chờ chồng” của mùa đi nhậu này rồi”.
Một trong những chiêu phổ biến đạt hiệu quả cao khác mà các nàng “Tô Thị” đang rần rần chia sẻ và chịu khó áp dụng, chính là “biến cái nhà thành cái động”. Biện pháp này thoạt đầu nghe có vẻ “lầy lội” nhưng thực ra bạn chỉ cần học thật nhiều món nhậu ngon, tự tay chế biến “mồi bén” để anh rủ bạn về nhà mà mặc sức nâng ly. Chỉ cần anh ở nhà là bà vợ nào cũng nhẹ lòng đi cả tấn, khỏi lo xe cộ, khỏi lo “em út”, khỏi sợ thực phẩm bẩn, rượu giả tràn lan hay anh quá chén. Anh còn có dịp nở mũi tự hào khi có vợ đẹp, vợ khéo chiều chồng và nấu mồi ngon. Có chị vợ còn tậu cả dàn karaoke cho xôm tụ, anh nhậu ở nhà thì anh hát với bạn bè đồng nghiệp, anh ra ngoài thì chị vừa hát vừa đợi cũng xem như vơi đi được phần nào nỗi cô đơn.
Có nhiều gia đình cuối năm cận Tết nhưng chồng vẫn về nhà đều đặn vì đã gây dựng được thói quen cả nhà phải cùng tham gia “lịch trình đón Tết” mỗi năm. Ví dụ 23 tháng Chạp đưa ông Táo, chồng có nhiệm vụ mua cá chép và cúng kiếng; 24-25 sơn lại cổng rào, cửa sắt; 26-27 quét mạng nhện, thanh lý đồ cũ, “tống cựu nghênh tân”; 28-29 chuẩn bị gói bánh chưng bánh tét; giao thừa, chồng thay mặt cả gia đình thắp nhang rước ông bà về đón Tết, rồi cả nhà cùng nhau cắn hạt dưa, ăn mứt xem Táo Quân trên TV, vừa vận động cho khỏe khoắn vừa gắn kết tình cảm gia đình. Mấu chốt thành công của biện pháp này là “không thể thiếu anh” vì người chồng là trụ cột gia đình trong thờ cúng, là sức mạnh khiêng vác nam tính trong dọn dẹp, là người có đủ kiến thức về sửa sang nhà cửa, “em không dám quyết, chờ anh cho lời khuyên”. Anh đi nhậu hoài không tham gia được “lịch trình” là nhà mình không có Tết.
Trên đây là những chiêu tiêu biểu được áp dụng thành công với những đức lang quân mới chỉ “nhúng chàm”, chưa thành sâu rượu, hay không phải làm việc trong các lĩnh vực cần giao tế trên bàn nhậu. Các ông chồng thuộc phần còn lại tuy có phần lún sâu nhưng vẫn có thể quay đầu bởi do đã rượu bia trong cả 1/3-1/4 cuộc đời, các ông hơn ai hết, phần nào cảm nhận được tác hại của cuộc nhậu lên nội tạng, lên thân thể mình, chỉ cần thành tâm khuyên nhủ, họ sẽ được tiếp thêm động lực bớt nhậu đi hay thậm chí còn bỏ hẳn.
“Tuổi không còn trẻ nữa nên tình trạng “hangover” của chồng mình càng ngày càng nặng” – Chị M.K. Anh chia sẻ.
“Ngày xưa anh nhậu mê mệt không về, để mình hóa Tô Thị mỏi mòn chờ cửa đến tận 2-3h sáng. Hôm sau vẫn bình thường nên ảnh còn có phần tự hào vì thực lực ngàn ly không say. Bây giờ mình cũng vẫn phải đợi như vậy, nhưng đã quen không gọi nữa, bởi mỗi lần gọi nhắc là anh nói “đang về, đang trên đường về” hay “sắp về tới” mà 3-4 tiếng sau chưa thấy mặt mũi đâu. Thà anh nói anh chưa về thì mình khỏi tưởng tượng lung tung rồi thêm lo lắng.
Bây giờ, mình thường xem phim, chơi với con, đắp mặt nạ cho “đẹp lộng”, làm việc, đọc sách, shopping online… trong lúc chờ chồng.
Anh về thì người mềm như cọng bún, nôn ói tùm lum. Mệt mỏi đến mức có khi còn phải nghỉ làm ngày hôm sau. Có lần anh còn bị trận ốm sau một cuộc nhậu mừng thăng chức. Anh nằm bẹp, than với vợ là anh nhức mỏi quá, riêng ống chân cảm thấy như nhức từ trong xương nhức ra, lần đó bác sĩ báo nguyên nhân do ngộ độc rượu dạng nhẹ, anh có vẻ sợ lắm rồi, mình vừa bóp chân cho anh vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ, anh trầm ngâm suy nghĩ, sau đó thì giảm hẳn rượu chè, mình cũng đỡ lo”.
Các đấng ông chồng xin hãy đừng ngoan cố đến khi cơ thể bị đầu độc đến mức rệu rã rồi mới chịu tin lời vợ, mới bớt để vợ lăn lóc mỏi mòn trong “Tháng chờ chồng” mùa cận Tết. Các nàng “Tô Thị” đừng vì sợ “hóa đá” hay quá mỏi mệt mà mặc kệ chồng mình bị biến thành sâu rượu, nếu anh chưa dứt được vì công việc hay vì thói quen thì hãy mách chồng các mẹo chống say, chống ngộ độc rượu, cho anh sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, ứng dụng công nghệ sinh học, có thử nghiệm lâm sàng để chăm sóc, giải độc gan. Anh bớt uống dần, em giúp anh thanh lọc độc tố dần. Mỗi người nhường một bước thì không còn Tô Thị, sâu rượu cũng biến tan, lá gan ổn định, thiên hạ sẽ được thái bình!