Bữa cơm gia đình
TQĐT – Nói đến văn hóa gia đình, người ta thường đề cập đến bữa cơm, bữa cơm trong gia đình người Việt không chỉ đơn thuần là nơi mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những món ngon mà cao hơn đó là sự gắn kết các thành viên, làm hình thành nên truyền thống của gia đình. Tất cả hòa quyện tạo nên những nét đẹp độc đáo riêng biệt trong văn hóa Việt.
Cùng chia sẻ với chúng tôi bác Lê Thị Vân, thị trấn Na Hang là một gia đình nề nếp, gia phong tâm sự: Trong cuộc sống hàng ngày bữa cơm của các gia đình ở đây thường rất đơn giản, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà mâm cơm có khác nhau. Thực phẩm để chế biến món ăn rất phong phú và đa dạng, đó là sản vật trồng, nuôi được hoặc đánh bắt trong tự nhiên.
Bữa cơm của những gia đình nơi đây thường là một món mặn, một món xào và canh; trong đó có đến 70 – 80% thức ăn được chế biến từ lương thực, thực vật. Quả thực, bữa cơm gia đình người dân trong thị trấn chủ yếu “cơm rau” hay “cơm canh”. Đặc biệt trong bữa cơm không thể thiếu các loại mắm nước, mắm tôm, mắm tép, mắm cá và dưa cà.
Bữa cơm gia đình không chỉ là nơi gia đình tụ họp ăn uống, mâm cơm còn chính là nơi thể hiện rõ nét văn hóa giao tiếp ứng xử của người Việt. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” thể hiện ở chỗ: Người phụ nữ cao tuổi nhất, bà hoặc mẹ hoặc chị em gái là người ngồi đầu nồi, để vừa ăn vừa trông chừng vừa xới cơm phục vụ cả nhà. Nếu thiếu, thì người đầu nồi ăn chậm lại nhường và luôn tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn.
Ngoài ra, phải biết “Học ăn, học nói, học gói, học mở” có ý muốn nói ăn uống cũng cần phải học. Chính vì vậy trong cách ăn cũng được xem là nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay con người trở nên cũng bận rộn, nhất là ở những thành phố lớn đã khiến nhiều gia đình ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong bữa cơm thân mật. Thế nhưng, phần lớn trong tiềm thức của mỗi người dân Việt, khung cảnh mâm cơm gia đình vẫn là nét đẹp không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Vì vậy vào các dịp lễ, tết, giỗ, rằm… mọi thành viên đều sum họp lại với nhau dù có đi làm ăn xa ở đâu đều về quây quần bên mâm cơm gia đình.
Hướng tới ngày Gia đình Việt Nam mỗi chúng ta nhận thấy rằng, gia đình vô cùng quan trọng. Gia đình là nơi hun đúc những giá trị truyền thống hình thành nên con người. Vì vậy, có thể coi bữa cơm là một biểu tượng cho văn hoá Việt Nam. Thông qua mỗi bữa cơm giúp mọi thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn chia sẻ được mọi điều và gắn kết mọi người lại với nhau. Bữa cơm gia đình là một giá trị trong bản sắc Văn hóa Việt Nam.